Huyền thoại chính trị người Nam Phi không bao giờ để có kẻ thù, dù trên chính trường vốn được coi là một trốn khắc nghiệt với hàng vạn chính khách.
Nelson Mandela sinh ra trong một gia đình quý tộc da đen. Lúc nhỏ cậu bé Nelson thụ hưởng những tư tưởng nhân đạo từ cha mẹ và lớn lên được tiếp thu văn minh phương tây tại trường đại học. Luật sư Mandela sớm tham gia phong trào giải phóng nô lệ và gia nhập Đại hội Dân tộc Phi ANC.
Người da đen ngày đó tuy chiếm đến 80% dân số, nhưng vì kém tổ chức, thấp văn hóa, nên phong trào đầu tranh luôn bế tắc. Cũng như những người ái quốc khác, Mandela loay hoay tìm mọi con đường cứu dân tộc. Năm 1952 nhờ sáng kiến “Bất tuân dân sự” (Defiance Campagne) (1) của Mandela, nhằm phát triển một cuộc đấu tranh bất bạo động theo gương Gandhi, ANC bỗng trở nên hấp dẫn với dân chúng và phát triển tăng vọt.
Nhưng sự đàn áp khốc liệt của chế độ Apartheid đã khiến Mandela phải chuyển hướng sang đấu tranh bạo lực. Để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh vũ trang, Mandela ra nước ngoài dự các khóa huấn luyện quân sự và lôi kéo sự ủng hộ quốc tế cho ANC. Có người cho rằng, mật vụ Israel Mossad đã gài người vào khóa huấn luyện ở Ethiopia và cung cấp các thông tin cho CIA. CIA thì coi Mandela là cán bộ đảng Cộng sản Nam Phi (SACP). Nỗi lo đó khiến CIA giúp cảnh sát Nam Phi bắt Mandela hôm 5.8.1962.
(Sau này trong một cuộc phỏng vấn, Mandela khẳng định: Ông chưa hề là đảng viêc SACP, dù thời trẻ ông có cảm tình với họ, dù giữa ANC và SAPC có nhiều liên hệ trong cuộc đấu tranh chung.)
Tại phiên tòa, ông tuyên bố: “Bạo lực không phải là lựa chọn của tôi, nhưng vì các ông chỉ hiểu ngôn ngữ đó nên tôi buộc phải dùng để nói chuyện với các ông.“
Trong 27 năm tù sau đó, Mandela vẫn tiếp tục nghiên cứu luật và chính trị. Ông lấy bằng luật của đại học London University qua các khóa hàm thụ (tại chức) từ trong tù. Ông vẫn liên hệ với các quan chức da trắng, lúc thì chỉ trích về các chế độ nhà tù, lúc thì về chế độ Apartheid.
Rất nhiều quan chức da trắng quen biết Mandela từ hồi ông còn phụ trách hãng luật “Mandela & Tambo” (Oliver Tambo là bạn thân của Mandela). Đa số họ đều nể đức độ của Mandela.
Phản ứng thử đầu tiên của Mandela là gửi thư từ đảo Robben Island về bộ tư pháp ở Pretoria đòi được cấp quần dài, bất chấp lệnh của viên chúa đảo tàn ác. Mấy tháng sau, chính viên chúa đảo phải mang quần dài vào cho Mandela và nhóm tù chính trị ANC. Mandela biết: Kênh đối thoại vẫn hoạt động! Các chính khách da trắng vẫn muốn giữ cửa hậu, đề phòng một biến cố nào đó mà họ chưa lường được, dù súng ống đầy người.
Cuộc đấu tranh nửa vũ trang, nửa công khai của ANC ở bên ngoài, do Oliver Tambo lãnh đạo, vẫn tiếp tục tăng sức ép lên chế độ Apartheid. Nhưng tổn thất của họ cũng rất nặng nề. Điều quan trọng nó đạt được là thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Những cuộc nổi dậy đẫm máu như ở Soweto đã thức tỉnh nhân loại.
Các cuộc tuyệt thực của Madela và phong trào đòi tự do cho ông đã góp phần tạo ra làn sóng toàn cầu chống chế độ Apartheid. Buổi biều diễn âm nhạc tại sân Wembley (London) nhân kỷ niệm 70 năm sinh nhật ông (18.07.1988) với 200.000 người tham dự, được truyền trực tiếp tại hàng chục nước.
Ngày 21.5.1986, quốc hội Mỹ thông qua sắc luật cấm vận, trừng phạt chế độ Apartheid Nam Phi. Sắc luật này cũng cho phép Mỹ trừng phạt các quốc gia và công ty làm ăn với Nam Phi (2).
Nền kinh tế Nam Phi lúc đó chủ yếu dựa vào ba trụ cột: Khoáng sản, nông sản và dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm. Nay hầm mỏ đóng cửa, hàng núi cam quýt đổ xuống biển, tiền bạc bị đóng băng khắp thế giới.
Kinh tế sụp đổ khiến dân da đen càng khốn khổ và không cần ANC kêu gọi, họ tự nổi loạn. Có những lúc cả ANC cũng không kiểm soát được.
Chính quyền Apartheid từ 1986 đã nghĩ đến việc thương lượng và người đầu tiên tổng thống phân biệt chủng tộc Botha nghĩ đến, là Mandela. Bộ trưởng tư pháp đón ông ra khỏi tù, đến họp với 3 bộ trưởng khác để tìm lối thoát. Nhưng trở ngại chính là ở chỗ: thiếu lòng tin. Một Botha phân biệt chủng tộc không tin là một Mandela da đen có thể để người da trắng sống yên thân. Do vậy Botha chỉ đưa ra các giải pháp xoa dịu. Các phiên họp kín kéo dài nhiều năm trời, không có kết quả, trong khi mâu thuẫn xã hội ngày càng trầm trọng. Trong nội bộ ANC, nhiều đồng chí không khoái trò Mandela cứ được đón ra khỏi tù để đàm phán kín với kẻ thù.
Tháng 2.1989, Frederik Wilhelm de Klerk thắng cử. Ông là một chính khách có tư chất, sinh ra từ môt gia đình hấp thụ tinh hoa của ba nền văn hóa Pháp, Đức, Hà lan. De Klerk chủ trương xóa bỏ chế độ phân biệt chủng tộc để thoát khủng hoảng. Ý tưởng đó được đa số cử tri da trắng ủng hộ. Giờ của các dân tộc Nam Phi đã điểm.
De Klerk và Mandela trao niềm tin cho nhau. Từ trong tù, Mandela thuyết phục ANC chấm dứt chiến tranh du kích để hợp pháp hóa đảng vào hệ thống chính trị. Ông nói: Chúng ta sẽ không bao giờ thắng bằng súng. Nhưng chúng ta sẽ thắng trong bầu cử! ANC chấp thuận!
De Klerk biết chắc điều đó, nhưng ông tin vào bản chất quân tử và lòng nhân ái của Mandela. Để cứu Nam Phi, De Klerk không còn sự lựa chọn nào khác là: trả tự do cho Mandela, cho phép ANC đăng ký hoạt động và tổ chức bầu cử minh bạch với sự tham gia của người da đen.
Kết quả đã rõ. Ngày 27.4.1994 ANC thắng cử với 62,65% phiếu. Mandela mời De Klerk làm phó tổng thống.
Có thể nói là Nam Phi đã găp may, vì hai nhân cách lớn gặp nhau đúng vào lúc xã hội Nam Phi đang chạm đáy. Một De Klerk với bất cứ một lãnh đạo ANC nào khác sẽ không đạt kết cục có hậu như vậy.
Hai nhân cách lớn khác là Yasser Arafat và Yitzhak Rabin đã từng gửi gắm niềm tin cho nhau. Nhưng chuyện thần kỳ đã không xảy ra vì xã hội Do Thái chưa bị sức ép để chấp nhận nền hòa bình đó. Rabin đã bị chính người Do Thái sát hại ngày 4.11.1995. Một chục triệu người Do Thái và Palestin mất cơ hội sống trong hòa bình.
Lòng nhân ái và sự tử tế toát ra từ Mandela luôn thuyết phục những kẻ thù quanh ông. Christo Brand, một cảnh sát trung thành với chế độ Apartheid được giao canh giữ Mandela tại nhà tù trên đảo Robben Island. Lòng đôn hậu của Mandela đã chinh phục Christo và anh đã liều mạng giúp đỡ Mandela trong rất nhiều giao tiếp với bên ngoài. Tình bạn cảm động này đã được Christo mô tả trong cuốn sách: „Nelson Mandela, người tù của tôi, bạn tôi“ (3). Bộ phim dựng năm 2007 đã đi khắp thế giới. Sau khi Mandela qua đời năm 2013, Christo quay về đảo Robben-Island xây dựng nhà tưởng niệm Mandela.
Rory Steyn, một sỹ quan an ninh hàng đầu của Nam Phi (4), từ lâu đã coi Mandela là kẻ khủng bố nguy hiểm. Nhưng khi lên làm tổng thống, chính Mandela lại tin dùng, cử anh làm đội trưởng đội vệ sỹ của ông.
Một vệ sỹ da trắng khác là Etienne van Eck thì coi ông như cha. Etienne thích nhớ lại cảnh Mandela và bà Garca dắt tay nhau đi giữa đường cái, như đôi trai gái trẻ si tình(5). Sau khi Mandela về hưu, Etienne chuyển sang Canada sinh sống và không may, vợ anh mất trong một tai nạn giao thông. Lập tức Mandela kêu gọi đồng đội, bạn bè giúp đỡ và động viên anh. Ngày ông mất, anh công bố bức ảnh có bút tích của thủ trưởng cũ, để tưởng nhớ một người bạn lớn.
Mandela và những người chủ trương xóa bỏ chế độ Apartheid đã làm nên lịch sử. Đó là chuyển giao quyền lực không đổ máu, không hận thù và đảm bảo tính kế tục của xã hội. Một cuộc cách mạng như vậy chưa hề xảy ra ở thế giới thứ ba./