Chiến tranh biên giới năm 1972 đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử chiến tranh giữ nước của Việt Nam.
17-02-1979. Sau hơn 100 năm chiến tranh liên miên, và chỉ sau 4 năm có hòa bình, người Việt Nam lại bước vào một cuộc chiến tranh khác, lần này họ phải đối mặt với chính những “người anh em” của mình .
Ngày nay, khi nhắc đến cuộc chiến tranh biên giới 1979, các bạn trẻ thường chỉ nhắc đến sự ám ảnh và mối ác cảm cố hữu với người Trung Quốc, hoặc giả là họ cho rằng cuộc chiến có vẻ đã nổ ra dựa trên ý thích hoặc quyết sách chính trị của một vài cá nhân 🙂 … Tuy nhiên cần nhớ rằng vai trò của Việt Nam trong hệ thống chính trị quốc tế vào thời điểm đó là đặc biệt quan trọng. Hôm nay mình xin phép không tập trung vào những mất mát trong cuộc chiến này, thay vào đó, ta hãy cùng điểm lại các vấn đề chính từ năm 1975 cho đến 1979, những nguyên nhân lịch sử đã đẩy chúng ta vào vòng chiến – một lần nữa.
– AI BẠN? AI THÙ?
Ngày 15-5-1975 tại Hà Nội, Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn đã làm cho hàng triệu con tim “sởn gai ốc” khi, với giọng Quảng Trị trầm ấm, ông tuyên bố: “Chào mừng tổ quốc vinh quang của chúng ta từ nay vĩnh viễn thoát khỏi ách nô dịch của nước ngoài, vĩnh viễn thoát khỏi họa chia cắt, chào mừng non sông gấm vóc Việt Nam liền một dải từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau, từ nay hoàn toàn độc lập, tự do và vĩnh viễn độc lập tự do”… Ngay sau đó, Bộ Quốc phòng cho giải thể hàng loạt đơn vị chiến đấu để tập trung cho sản xuất.
a. NGƯỜI ANH EM CAMPUCHIA
1977 – Hà Nội gần như không có phản ứng chính thức ngay cả khi Polpot đã tiến hành tấn công biên giới ở cấp sư đoàn. Trước chất vấn từ quân đội, Lê Duẩn nói : ” Không phải là vấn đề Khmer Đỏ, vấn đề Pol Pot mà là vấn đề ai ở đằng sau Khmer Đỏ, đằng sau Pol Pot. Ta đã đưa đại quân đâu, bọn nó làm sao chống ta nổi, nhưng ta đánh nó, Trung Quốc đánh ta thôi. Nếu ta không chiếm K, Trung Quốc cũng không chiếm ta”. Thật vậy, cuối năm này, sau khi triển khai hai sư đoàn tinh nhuệ nhất trên đất Campuchia, quân đội Việt Nam đã thu được nhiều tài liệu cho thấy Trung Quốc đứng đằng sau Polpot.
b. NGƯỜI ANH EM CUBA
Sau năm 1975, Fidel nhiều lần mời Lê Duẩn sang thăm, khi thấy nước bạn giục quá mà Bí thư Thứ nhất vẫn lờ đi, nhiều người thắc mắc, Lê Duẩn trả lời: ” ‘Đúng là Fidel sang ta mấy lần, nhưng ta mới thắng Mỹ, sang Cuba không tuyên bố chống Mỹ thì Cuba không chịu, tuyên bố chống Mỹ thì, các chú thấy, sang cạnh nhà nó chửi nó, nó cấm vận mình suốt đời thì mình chết. Vì lợi ích quốc gia, tôi chưa thể đi được’. Giới phân tích chính trị đã hết sức bất ngờ trước tư duy chính trị mềm dẻo này của Lê Duẩn – thời điểm này, ông đang được đánh giá là một nhà chính trị kiệt xuất…
c. KẺ THÙ CŨ – MỸ
1975 – chỉ hơn một tháng sau khi làm chủ Sài Gòn. Hà Nội có nhờ Liên Xô chuyển cho Mỹ một thông điệp miệng với nội dung bình thường hóa quan hệ và yêu cầu chính phủ Mỹ chi trả gói 3.2 tỷ tiền tái thiết như đã hứa. Khoản tiền này đã từng được những nhà hoạch định kế hoạch kinh tế hậu chiến của Việt Nam tính toán như một nguồn quan trọng để thực thi kế hoạch. Ngày 7-5-1976 Tổng thống Gerald R. Ford đề nghị Quốc Hội Mỹ tạm dừng cấm vận Việt Nam trong 6 tháng để tạo điều kiện đối thoại giữa hai nước. Các nỗ lực đàm phán sau đó liên tiếp rơi vào bế tắc với yêu sách của cả hai bên. Mỹ cho rằng Việt Nam không giữ đúng cam kết ở hội nghị Paris nên không thể yêu cầu đền bù chiến phí và đối với họ, việc ” bình thường hóa quan hệ ” là thừa nhận thua trận lần thứ 2. Đối với Việt Nam, một trong những điều ngáng trở đối thoại là Hà Nội khăng khăng đòi gói 3.2 tỷ . Washington khuyên Hà Nội cứ bình thường hóa trước rồi khoản viện trợ sẽ tìm cách chuyển sau, nhưng Bộ chính trị không chịu.
Sau đó, khi biên giới Tây Nam được đặt trong tình huống chiến tranh và Trung Quốc đã được Ban Chấp Hành TW coi là ” kẻ thù ” thì Hà Nội mới nhận thấy tầm quan trọng trong việc bình thường hóa quan hệ với một siêu cường như Mỹ. Năm 1978, tổng thống Mỹ Jimmy Carter nói ” vấn đề Việt Nam không còn là ưu tiên hàng đầu của tôi nữa “. Thêm vào đó là mối lo ngại của Mỹ đối với quân cảng Cam Ranh ( lúc này đang chứa hơn 4000 cố vấn Liên Xô), thực tế này đã đặt dấu chấm hết cho hi vọng bình thường hóa quan hệ với “kẻ thù cũ” của Hà Nội – điều mà chúng ta đã phải đợi gần 20 năm sau để đi đến đích.
d. NGƯỜI ANH EM TRUNG QUỐC
Đặng Tiểu Bình đã đánh trúng mối lo của Lê Duẩn khi về sau sẽ ví Việt Nam là Cuba ở phương Đông trong bối cảnh Việt Nam đang có những nỗ lực bất thành nối lại bang giao với Mỹ. Từ năm 1977 đến 1978, Trung Quốc cung cấp cho Khmer Đỏ pháo binh, pháo phòng không, thuyền tuần tiễu… Đặc biệt, 500 chuyên gia quân sự Trung Quốc đã được gửi sang để huấn luyện Khmer Đỏ. Thực tế Hà Nội đã ngầm hiểu tình trạng chiến tranh với Bắc Kinh từ năm 1977.
Mặt khác trong những năm này, Bắc Kinh liên tục gây sức ép để Hà Nội liên kết với Bắc Kinh chống lại Moscow. Sự né tránh từ phía Hà Nội và vấn đề Hoàng Sa đã làm thông cáo chung giữa 2 nước đi đến thất bại. Ngày 2-6-1977, trên đường từ Đông Âu trở về, tướng Giáp ghé qua Bắc Kinh, nhưng người đối đẳng với ông là Bộ trưởng Quốc phòng Diệp Kiếm Anh đã không ra sân bay đón. Một tuần sau, khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng dừng chân ở Bắc Kinh, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Tiên Niệm chính thức cáo buộc Hà Nội “lật lọng đối với Công hàm 1958”. Kể từ đó, Hà Nội cảnh giác cao độ với Bắc Kinh.
e. NGƯỜI ANH LIÊN XÔ
Tháng 12-1976 Liên Xô rất tức giận khi Việt Nam từ chối gia nhập Comecon277 trong khi xin gia nhập IMF. Sự cự tuyệt của Trung Quốc và Mỹ đặt Việt Nam vào tình thế hiểm nghèo – phải thiết lập mối quan hệ với một siêu cường. Tháng 7-1977 phái đoàn quân sự Liên Xô đến thăm Việt Nam. Cùng thời điểm, Trung Quốc tăng cường viện trợ quân sự cho Pol Pot. Ngày 3-11-1978, Việt Nam kí Hiệp ước Hợp tác Toàn diện với Liên Xô trong vòng hai mươi lăm năm, bao gồm điều khoản cho Liên Xô sử dụng cảng Cam Ranh như một quân cảng. Hiệp ước đã như một “món quà” đối với Đặng Tiểu Bình. Hai ngày sau, ông ta đến Thái Lan, bắt đầu chuyến công du ASEAN, thuyết phục các quốc gia ở đây coi Việt Nam và Liên Xô, thay vì Trung Quốc, là mối đe dọa chính.
f. CÁC HOẠT ĐỘNG QUÂN SỰ NGAY TRƯỚC THỀM CHIẾN TRANH
Vững tin vào mối quan hệ với người anh em Liên Xô- một siêu cường, Việt Nam tập trung vào giải quyết vấn đề biên giới Tây Nam. Ngày 23-12-1978, Lực lượng quân sự Việt Nam triển khai quân ở mức quân đoàn dưới sự chỉ huy của tướng Lê Trọng Tấn, bắt đầu tấn công trên mọi mặt trận và đẩy Khmer Đỏ lùi dần về phía Tây. Ngày 5-1-1979, Pol Pot đã nghe lời khuyên của Bắc Kinh, đề nghị Sihanouk đến Liên Hiệp Quốc lên án “hành động xâm lược của Việt Nam”. Chỉ hai ngày sau khi Việt Nam đưa quân vào Phnom Penh, 9-1-1979, Ngoại trưởng Mỹ Cyrus Vance tuyên bố với ông Trần Quang Cơ: “Các cuộc nói chuyện Mỹ- Việt về bình thường hóa đã tan vỡ do cuộc xâm lược Campuchia của Việt Nam”.
Ngày 15-12-78, Mỹ và Trung Quốc ra thông cáo chung, chính thức công nhận nhau và tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 1-1-1979. Ngày 29-1-1979, Jimmy Carter đón Đặng Tiểu Bình tại Washington bằng hai mươi phát đại bác. Đặng Tiểu Bình biết ảnh hưởng quốc tế của cuộc chiến tranh xâm lược Việt nam nên đã thông báo với Tổng thống Carter mức độ “giới hạn” của cuộc tấn công vào biên giới Việt Nam và Carter không cho Đặng thấy là cuộc tấn công sẽ ảnh hưởng đến bang giao giữa hai nước.
Ngày 17-02-1979 , Bắc Kinh triển khai quân sự ở cấp sư đoàn với 60 sư đoàn, tấn công trên toàn tuyến biên giới Việt Nam.
Hà Nội hoàn toàn bị bất ngờ.
Chiến tranh biên giới bắt đầu.
ĐÔI LỜI:
Như vậy, qua phần mối quan hệ phức tạp giữa những người anh em và giữa những kẻ thù cũ với nhau, ta thấy lịch sử đã đặt Hà Nội vào một giai đoạn chính trị vô cùng phức tạp. Việt Nam ở thế ” nhất biên đảo” đã buộc phải chọn cho mình một đồng minh chiến lược lâu dài. Cho dù trở thành đồng minh của bên nào đi chăng nữa, để tạo ra thế cân bằng và răn đe , thì một cuộc chiến tranh là không thể tránh khỏi.